Blog cho người khởi nghiệp

https://bloggerkhoinghiep.com:443


Kỳ 3 khởi nghiệp: Tay trắng làm sao thu hút được nhân tài?

Tiếp nối bài viết ở kỳ 2 khởi nghiệp: Tay trắng làm sao để thu hút được nhân tài sau đây là biết viết kỳ 3:
Kỳ cuối: Khởi nghiệp: 'tay trắng' làm thế nào để thu hút được nhân tài? (phần 2).

Bạn tìm được những người đồng sáng lập phù hợp với giá trị sống, phù hợp tầm nhìn, phù hợp tính chất công việc sẽ giúp con đường khởi nghiệp ít chông gai hơn. Với trải nghiệm của tôi, 4 lần “khởi nghiệp ngay – sạt nghiệp luôn” thì có đến 3 lần tôi bị mắc phải lỗi lớn này. Mỗi một lần khởi nghiệp tôi lại bị mắc cái lỗi khác nhau.

Như lần đầu tiên khởi nghiệp nhóm có 5 người, lúc khó khăn thì vượt qua được, nhưng khi có đồng ra đồng vào thì mới hiểu rằng “giá trị sống” khác nhau quá, tôi đành dừng lại và rút lui, sau này thì rã cả đám. Lần thứ hai, tôi đi tìm những người 'siêu cấp' về nhiều mặt như tư duy, mối quan hệ, khả năng làm việc…, nhưng tôi đã nhận ra, những người 'siêu cấp' phù hợp với một công ty lớn, với nguồn lực dồi dào, có ban bệ hoàn chỉnh, mãi sau này tôi mới hiểu “họ phù hợp hơn với vai trò điều hành (CEO) hoặc quản lý cấp cao”, còn giai đoạn khởi nghiệp là không đúng sở trường, họ sẽ là những nhà đầu tư thiên thần rất ổn đấy. Lần thứ 3 thì tôi làm việc với người quen thân và bao câu chuyện quản lý nội bộ bị rối tung lên vì là người quen thân, tôi cảm thấy quá mệt mỏi. Thế đấy, bài học thường xuất hiện khi vào thực tế và dĩ nhiên thực tế trải nghiệm còn hàng trăm ngàn điều thú vị, khó viết ra hết được.

Người thành công chẳng phải là không vấp ngã, không thất bại mà thành công là đã học được gì từ những cái sai đó, áp dụng như thế nào cho những lần tiếp theo. Người thành công rút kinh nghiệm nhanh còn kẻ thất bại té nhiều lần với cùng một cái lỗi.

Tôi nhắc lại một số liệu thống kê: một trong ba nguyên nhân chính gây nên thất bại của startup đó là vì những người sáng lập. Bạn phải cần thực sự chú ý điều này!

Nếu bạn chưa tìm được người đồng sáng lập phù hợp thì cũng đừng vội vã bằng mọi cách phải có. Bạn cần luôn có tư tưởng rằng “nếu chỉ còn một mình bạn, bạn cũng sẽ khởi nghiệp tốt, bạn vẫn làm việc với hiệu quả cao nhất”. Bạn không làm được điều đó, tôi khuyên hãy quay lại đi làm thuê, tiếp tục tích lũy nhiều hơn các bài học kinh nghiệm nhé.

Vậy còn tuyển dụng nhân sự cho công ty khởi nghiệp cần làm gì?

Về nhận thức, bạn là người làm khởi nghiệp cần có cái nhìn về thực tế rất “trần trụi, cay đắng” như sau “Bản tính người Việt mình có bệnh sỉ diện rất cao – tôi nhấn mạnh là rất cao nhé – nên tâm lý là thường lựa chọn khu vực nhà nước, công ty nhà nước, công ty lớn có thương hiệu để làm việc. Và còn đau đớn hơn nữa, là bộ phận khá lớn thà thất nghiệp chứ nhất định không chịu làm các công việc “vặt vãnh” của công ty khởi nghiệp”. Vì vậy công ty khởi nghiệp tuyển dụng nhân sự rất khó khăn.

Tôi thường nói vui, chúng ta sợ ma vì chẳng biết hình hài con ma ra sao, nếu biết thì chẳng sợ ma nữa. Bởi thế, khi biết sự thật “trần trụi và cay đắng” ấy thì bạn chẳng việc gì phải sợ khi không tuyển được nhân viên nhé.

Về hành động tuyển dụng, tôi dùng bài học từ ông bà ta dạy về cách chọn người.

"Trai khôn tìm vợ chợ đông,  
Gái khôn chọn chồng giữa chốn ba quân".

Ứng dụng vào thực tiễn với công ty khởi nghiệp như sau:

- Chọn người tài đầu tiên là chọn ở thái độ, ở cái đạo đức của người ấy. Người “con gái không chịu ra chợ” thì vứt, “thằng đàn ông không ra chốn ba quân” cũng bỏ xó mà thôi, chẳng phải đó là thái độ với cuộc sống. Ngày nay, với mạng xã hội phổ biến, với internet nên mọi thông tin của ứng viên đều có thể 'truy đến tận cùng' trước khi phỏng vấn đấy. Tôi lấy ví dụ, tôi cần tuyển một bạn trẻ làm văn phòng, nếu bạn ấy không dùng facebook tôi loại đầu tiên. Tiếp đến, facebook chính là nơi thể hiện một phần thế giới nội tâm của người đó, tôi thấy toàn tư duy tiêu cực là loại luôn. Để ý thêm, các mối quan hệ, các bình luận của ứng viên trên mạng xã hội… tôi sẽ nhận ra cái thái độ, đạo đức và giá trị sống của bạn đó có phù hợp với doanh nghiệp của mình không để loại hồ sơ cho nó nhanh.

- Người tài, yếu tố tiếp theo là đến kiến thức. Người phụ nữ đi chợ chẳng biết đâu là cá thu, đâu là con cá nục, thằng đàn ông ra chiến trường chẳng có hiểu về 36 kế, chẳng biết gì về võ Vovinam, Thiếu Lâm, thì vứt vào sọt “ngay và luôn” nhé. Khi lướt qua facebook, một người có kiến thức tốt sẽ không nói nhăn nói cụi, để bừa bãi với tường facebook của mình. Tiếp đó, khi phỏng vấn bạn sẽ kiểm tra kỹ lưỡng hơn và lời khuyên của tôi bạn ít nhất phỏng vấn 3 lần với ứng viên phù hợp nhé. Vì nguyên tắc tuyển dụng của startup là “tuyển dụng cẩn trọng – xa thải rất nhanh”.

- Cái cuối cùng để làm việc hàng ngày là kỹ năng làm việc, cũng giống như người phụ nữ chỉ cần nhìn, sờ con cá là biết nó còn tươi ngon không, thằng đàn ông lướt qua cái là biết đối thủ đang dùng mưu kế gì dùng mưu gì để trị, nhìn xuất vài chiêu là hiểu nó thuộc môn phái nào, sẽ dùng món nào để thắng áp đảo hay cần bỏ chạy dài… Một người chăm chỉ, chịu khó thường có kỹ năng tốt hơn và tôi thường chọn người đó.

Sẽ có người đạt yêu cầu như vậy, nhưng đòi hỏi tiền lương không hề thấp, làm sao khởi nghiệp tuyển dụng được?

Như đã trình bày ở bài trước, doanh nghiệp khởi nghiệp cần có chính sách lương cao và tốt hơn các doanh nghiệp lớn, hãy tập trung vào hiệu quả thay vì chăm chăm vào chi phí. Lưu ý, chúng ta đang đầu tư vào con người, có con người phù hợp là sẽ có tất cả.

Còn sợ sai lầm ư? Thế thì đừng có tuyển người đó.

Còn không đủ tiền chi trả ư? Thế thì hãy xem lại tài chính, dòng tiền, nếu không có khả năng thì đừng có mà tuyển người, hãy lo “cày tiếp đi” để tích lũy, hãy tự làm một mình nhé. Vì nếu bạn tuyển người “chưa có kinh nghiệm” như bài trước tôi đề cập, tình trạng thiếu tiền của bạn sẽ ngày càng trầm trọng đấy.

Cái cần quan tâm ở đây, là làm sao phát triển người tài để đạt năng suất cao nhất, vượt qua các giới hạn!?

@ Đây là quan điểm cá nhân qua sự trải nghiệm của tôi, rất mong nhận được chia sẻ, góc nhìn khác từ cộng đồng. Chân thành cảm ơn.

Cao Trung Hiếu | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.
Sáng lập & điều hành Dân Trí Soft
- - - - - - - - - - - - -
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây