Xem bài viết:
>>> Đam mê là gì? Làm thế nào để tìm ra niềm đam mê thực sự?
ĐAM MÊ và KINH DOANH là hai khái niệm rất khác nhau, mà đôi khi chúng ta hay nhầm lẫn ghép chúng làm một ! Không biết tự bao giờ, đam mê hay được ghép vào chung với việc cần phải bước ra kinh doanh để thực hiện được đam mê của mình ? Đam mê là đam mê, nhưng kinh doanh là kinh doanh ! Kinh doanh có đam mê hoặc đồng thời là đam mê thì tốt, nhưng nếu không, thì kinh doanh vẫn cứ là kinh doanh.
Cũng như khi làm việc, có cảm hứng để làm việc thì tốt, nhưng khi không có thì công việc vẫn là công việc. Một số nhân vật thành công xuất chúng có nói rằng, để thành công, bạn cần phải theo đuổi đam mê ! Thế nhưng, dường như họ chưa bao giờ nói rằng, để thành công, bạn phải gắn liền đam mê của mình với việc kinh doanh ??? Kinh doanh cần nhiều hơn rất nhiều so với đam mê !
Để kinh doanh thành công, có lẽ còn cần nhiều thứ hơn rất nhiều so với cái gọi là đam mê, vốn được phát triển đi lên từ một sở thích riêng của cá nhân. Kinh doanh là một cuộc chơi của tiền bạc, của cung cầu, của mua bán, của thị trường, của hàng hoá dịch vụ, của tiêu dùng, của cạnh tranh, của những cuộc đấu trí để giành giật, của những sự khéo léo trong các mối quan hệ làm ăn, của sự đấu trí triền miên, của những ứng biến linh hoạt trong chuỗi cung ứng, của sự lão luyện trong việc kích thích tiêu dùng, của những chuỗi ngày nghi ngờ, tự kỷ, trấn an bản thân cho đến những thất bại nối dài thất bại nhưng vẫn phải liên tục kiên trì điều chỉnh để đi lên từng chút, từng chút một, ... Đam mê thì không nhất thiết phải liên quan đến tất cả những thứ đó ! Để thoả mãn đam mê, bạn không nhất thiết phải bước ra kinh doanh, bạn chỉ cần khéo sắp xếp hiệu quả thời gian, công việc và để tâm huyết cho đam mê của mình ! Kinh doanh không tốt cũng không xấu, nó phụ thuộc góc nhìn.
Tuy nhiên bước ra kinh doanh thì khó có thể nói rằng mọi thứ cần phải được thật thà như đếm, phải tuân theo các quy chuẩn đạo đức được hướng dẫn trong sách vở nhà trường. Kinh doanh là một cuộc chơi, và cuộc chơi ấy có các luật lệ, nguyên tắc riêng của nó. Để thành người chơi giỏi, bạn phải hiểu các nguyên tắc chơi, bạn phải chấp nhận thực tế và các góc cạnh đôi khi tàn nhẫn của cuộc chơi, và bên cạnh đó, bạn phải có những tố chất để trở thành một người chơi giỏi trong cuộc chơi đó nữa ! Có nhưng "người chơi" trong một khoảng thời gian rất ngắn nắm bắt được luật chơi và có thể thành công rất nhanh. Có những "người chơi" chậm hơn, nhưng rồi cũng đạt được một số thành công nhất định. Nhưng cũng có những "người chơi" học và chơi nhiều năm vẫn có thể cứ thua triền miên ! Đồng ý hay không thì đó cũng là điều thực tế ! Đôi lúc, chúng ta cũng phải hiểu rằng, có những cuộc chơi không dành cho mình, hãy khéo léo, đủ thông minh để rút lui kịp thời và kịp dành thời gian để tham gia vào những cuộc chơi khác phù hợp hơn ! Để thành công trong cuộc sống, không nhất thiết phải vào cho được Đại Học.
Cũng tương tự, để thành công và hạnh phúc trong cuộc sống, bạn không nhất thiết phải bước ra kinh doanh, nhất là khi cuộc chơi kinh doanh không phải là cuộc chơi dành cho bạn ! "Biết thì nói biết, không biết nói không biết, ấy gọi là biết !" Cổ học tinh hoa. Hãy đủ thông minh để nhận biết những điều mình thực sự mong muốn, những điều thực sự có ý nghĩa trong cuộc sống của bạn, và học cách khéo léo từng bước sắp xếp để đạt được chúng trong sự kết hợp hài hoà với mọi yếu tố, điều kiện khác xung quanh ! Đúng là việc gần đây những nhân vật như Elon Musk, Mark Zuckenberg, Sir Richard Branson, ... thường xuyên được nhắc đến và là kim chỉ nam, là tấm gương cho sự thành công trong cuộc sống với tần suất xuất hiện khá cao dễ khiến chúng ta thường liên tưởng đến khái niệm thành công cần phải đi đôi, gắn liền với kinh doanh và khởi nghiệp.
Nhưng bên cạnh đó, bạn cũng có thể lưu ý rằng, M.Gandhi từng là một luật sư, A.Eistein là một nhà vật lý học, L.Pasteur là một bác sỹ, ... tất cả những con người này đều để lại những giá trị to lớn vĩ đại cho loài người, và cũng không ai trong số họ bước ra kinh doanh cả ? Điểm chung duy nhất của những con người này, dù có là doanh nhân hay không, có lẽ là họ đều đã sẵn sàng đấu tranh, đánh đổi một cái giá rất lớn để đạt được những giá trị mà họ cho rằng có ý nghĩa cho bản thân họ, và cho nhân loại. Có nhiều con đường để đi đến thành Rome, cũng tương tự, có nhiều cách để đạt được hạnh phúc trong cuộc sống, thiết thực nhất có lẽ là bằng cách nhận biết và đấu tranh để làm được những điều mà chúng ta thấy thực sự có ý nghĩa cho bản thân và cho những người xung quanh !
Nguồn: Tạ Minh Trãi Sáng lập Học Viện Nghệ Thuật, Thiết Kế & Sáng Tạo - ADC Academy Managing Director - TADANG Design & Branding Agency.
----- P/S: Bài viết của tôi không có ý định làm giảm nhiệt huyết của các bạn trẻ khi muốn bắt đầu kinh doanh, nhất là tôi lại chia sẻ bài viết này trong Group Quản Trị & Khởi Nghiệp :) Trái lại, bài viết mong muốn giúp làm rõ hơn một vài góc cạnh ít được đề cập của việc kinh doanh, sẽ đặc biệt có ích cho một số bạn do một vài khoá học làm giàu tạo động lực muốn bỏ hết tất cả để bắt đầu lao vào kinh doanh mà chưa dành thời gian xác định được điều thực sự ý nghĩa và quan trọng trong cuộc sống ! Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng rằng, bằng một số năm trải nghiệm cá nhân của mình trong công việc kinh doanh, thành công cũng có, thất bại cũng không ít, để giúp các bạn hiểu rõ hơn bản chất của công việc gian truân nhưng cũng đầy thử thách này. Lời nói không hoa mỹ thì có thể ít người thích nghe, nhưng không vì thế mà sự thật sẽ bị che lấp ! Chúc các bạn dù có kinh doanh hay không, cũng đều sớm nhận ra những giá trị có thể giúp mang đến cho cuộc sống các bạn sự viên mãn và hạnh phúc !
Chúng tôi trên mạng xã hội