Từ quản trị start-up đến quản trị công ty: Cần hiểu biết những luật lệ gì?

Thứ sáu - 23/12/2016 17:18
Khi bắt đầu có ý tưởng thành lập doanh nghiệp, có rất nhiều điều bạn không biết phải làm từ đâu và làm thế nào cho đúng. Việc lập một bản kế hoạch kinh doanh là vô cùng cần thiết bên cạnh đó các bạn cần bổ sung vào bảng kế hoạch khởi nghiệp của mình những nội dung vấn đề cần phải biết và lưu ý để không gặp trở ngại sau này. Bài này lưu ý trong công tác điều hành quản trị nhóm khởi nghiệp, góp vốn kinh doanh, thu hút nhà đầu tư tham gia khởi nghiệp.
Những điều cần biết khi khởi nghiệp
Những điều cần biết khi khởi nghiệp
Từ quản trị start-up đến quản trị công ty: Cần hiểu biết những luật lệ gì? Trong những năm trở lại đây, không ít start-up tại Việt Nam có “cuộc chia ly” giữa các đồng sáng lập, có những xung đột khi start-up trở thành doanh nghiệp lớn. Hiểu biết pháp lý về quản trị sẽ phần nào giảm bớt các thiệt hại và xây dựng start-up bền vững.
Xem tin hay: 1 quan điểm quan trọng về vai trò của việc lập bản kế hoạch kinh doanh
GIAI ĐOẠN SÁNG LẬP START-UP Các sáng lập viên có thể hùn hạp vốn để triển khai dự án. Vốn ở đây bao hàm cả công sức lao động và ý tưởng nên khi chưa thành lập doanh nghiệp, các cá nhân cũng có thể hợp tác để làm ăn theo mô hình cá nhân hoặc hộ kinh doanh cá thể. Tiền hùn hạp có thể được thỏa thuận đưa vào chi phí doanh nghiệp sau này. Tính chất pháp lý của việc hợp tác tùy thuộc vào mức độ thỏa thuận giữa các bên. Để đảm bảo quyền lợi, các bên nên thẩm định kỹ đồng sáng lập và cần thống nhất bằng văn bản. Các bên thể hiện sự thống nhất tại Thỏa thuận sáng lập viên để tránh rắc rối có thể phát sinh. Trên thực tế, đã có trường hợp xảy ra như việc góp tiền cho cộng sự và không thu hồi được khi có chuyện; hay sáng lập viên không hợp tác nữa và mỗi người giữ những tài sản của mình. Khi đó, người nào nắm website thì dùng website, người nắm nhân sự thì kéo nhân sự thực hiện dự án mới. Bản thỏa thuận giữa các sáng lập viên thể hiện điều khoản để có thể vạch ra luật chơi là cần thiết. Thỏa thuận đó bao gồm điều khoản về tài sản, công sức đóng góp, phân công công việc, quyền quyết định, các cam kết, quyền và nghĩa vụ của từng bên, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi nhuận… và cả việc thoái vốn hoặc chấm dứt hợp tác. Thỏa thuận sáng lập viên có thể được dùng là nền tảng để đưa vào điều lệ doanh nghiệp khi các nhà sáng lập thành lập doanh nghiệp. TƯ CÁCH PHÁP NHÂN VÀ QUYỀN ĐIỀU HÀNH Một phần do thói quen tiêu dùng, tính tiện lợi, giá cả và vấn đề về đóng thuế, nhiều khởi nghiệp gia chọn cách kinh doanh nhỏ lẻ và không thành lập doanh nghiệp. Chính phủ có quy định các loại hình và quy mô cụ thể cho một số hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ. Việc thành lập doanh nghiệp để kinh doanh dường như là yêu cầu bắt buộc khi hoạt động kinh doanh đó phát triển. Pháp luật sẽ kiểm soát thông qua người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Khi thành lập doanh nghiệp và có tư cách pháp nhân (trừ hình thức doanh nghiệp tư nhân), các vấn đề về quản trị doanh nghiệp bắt đầu cần được các ông chủ trẻ quan tâm hơn. Cụ thể là, phân định chủ sở hữu - người điều hành, phân định người đại diện theo pháp luật -người đại diện theo ủy quyền. Việc phân công, phân quyền trong doanh nghiệp do các thành viên tự quyết định, nhưng không được trái với điều lệ đã đăng ký và các quy định pháp luật khác. Các quy định pháp luật khác ở đây là quy định về lao động, về thuế … Ví dụ, việc bổ nhiệm một người làm CEO và trao quyền cho người đó điều hành, nhưng phạm vi công việc thể hiện trên hợp đồng lao động thì người đó chỉ giới hạn trách nhiệm là một người lao động. Trong các loại hình doanh nghiệp, công ty cổ phần được nhiều start-up quan tâm để thuận tiện cho việc huy động vốn, tuy nhiên cũng cần cân nhắc về tính phân định quyền hành trên cơ sở phần vốn sở hữu được thể hiện rất cao ở loại hình công ty này. Ví dụ, sau 3 năm kể từ ngày thành lập, các cổ đông có quyền bán cổ phần cho người bên ngoài. Điều này với nhiều start-up có thể là rủi ro vì không biết tại thời điểm đó, start-up đã ổn định hay chưa. Trong cuốn sách “Pháp Lý Trong Kinh Doanh – nắm luật chơi để chiến thắng trên thương trường tại Việt Nam”, tác giả cuốn sách (cũng là tác giả bài viết này) khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, start-up nên thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn. Sau khi start-up ổn định, các sáng lập viên có thể thay đổi loại hình công ty phù hợp với giai đoạn phát triển đó. KHI START-UP LỚN MẠNH Sau giai đoạn phát triển ban đầu để trở thành doanh nghiệp loại vừa hoặc nhận được vốn đầu tư lớn, start-up bắt đầu chuyển mình. Khi đó, bài toán quản trị công ty được đặt ra. Quản trị công ty có tầm quan trọng rất lớn trong duy trì phát triển ổn định của doanh nghiệp. Cấu trúc của quản trị công ty có nhiều dạng, nhà điều hành cần linh hoạt áp dụng vào doanh nghiệp của mình. Vấn đề đang được bàn là khi start-up “bất ngờ” lớn mạnh, liệu công tác quản trị công ty có được thực hiện? Nhiều start-up giao hết việc quản trị này cho nhà đầu tư hoặc cố vấn và không ít trường hợp đó được xem là sai lầm. Quản trị công ty có xuất phát điểm là quan hệ pháp lý và quyền sở hữu, điều hành của các bên liên quan. Chủ sở hữu là người có quyền quyết định cao nhất trong công tác quản trị này. Lẽ vậy mà nếu start-up sau khi nhận vốn đầu tư trao quyền quyết định cho nhà đầu tư thì nên nhớ rằng, mình có thể bị loại trừ, dù ai cũng biết đó là start-up của bạn. Các doanh nhân trẻ cần có sự chuẩn bị kỹ kiến thức pháp lý và nhờ cố vấn để tránh các xung đột, rủi ro trong điều hành tại giai đoạn chuyển giao.

Từ kinh nghiệm về giải quyết xung đột khi start-up phát triển nhanh thành doanh nghiệp lớn cho thấy, các start-up nên tập trung vào ba điểm sau:
- Một là, biết rõ về quyền sở hữu pháp lý đối với doanh nghiệp vào từng thời điểm, trong đó có quyền sở hữu của cá nhân người sáng lập và có chế kiểm soát.
- Hai là, việc phác thảo cấu trúc quản trị công ty tùy thuộc vào ý chí của chủ sở hữu và những người điều hành, nhưng không được trái với quy định pháp luật và Điều lệ doanh nghiệp.
- Ba là, các yếu tố cấu thành việc quản trị công ty còn liên quan đến các vấn đề pháp lý khác như phân công, phân quyền theo quy định về lao động, thuế thu nhập khi chuyển nhượng vốn … hay các quy định về chứng khoán nếu công ty niêm yết. Tóm lại, việc thành lập doanh nghiệp hay không, điều đó không quá quan trọng, nhưng không nên đợi có sự cố mới bàn tới quan hệ pháp lý trong start-up. Bên cạnh các kiến thức về quản trị kinh doanh, cần hiểu biết về pháp lý để điều chỉnh công tác điều hành cho đúng quy định, đảm bảo lợi ích của mình. Sự thông hiểu luật và các thông lệ sẽ giúp doanh nhân trẻ linh hoạt trong điều hành, chớp lấy cơ hội để phát triển start-up thành công.
Luật sư Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch LP Group
-------------------------------------------------
Bài viết theo đề xuất của Ban Biên tập Báo Đầu tư đăng ngày 02/12/2016. Kỳ báo này còn có sự xuất hiện của các thành viên Ban chuyên gia của CLB Quản trị & Khởi nghiệp. Chủ tịch Long Do Nguyen Hong
-------------------------------------------------
Hình minh họa – nếu đang là đại bàng thì hãy tư duy về tổ chức như đại bàng, còn nếu đang bắt đầu là gà thì hãy mơ về một giấc mơ đại bàng. — Sưu tầm bởi Blogger Khởi Nghiệp
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây