Mô hình kinh doanh và nấu phở

Thứ hai - 01/06/2020 21:42
Bạn hiểu gì về Mô hình kinh doanh? Hãy xem bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn thông qua câu chuyện Mô hình kinh doanh và nấu phở.
FB IMG 1591061920033
FB IMG 1591061920033
MÔ HÌNH KINH DOANH và NẤU PHỞ

Trong 10 năm trở lại đây, mô hình kinh doanh là từ “thời thượng” được nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa và vai trò của nó.

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc một cách có hệ thống về mô hình kinh doanh là đầu năm 2012 thông qua vài người bạn với cuốn sách Business Model Generation bản tiếng Anh. Thích thú vì tính hệ thống và dễ hiểu của nó, tôi áp dụng ngay cho doanh nghiệp của mình. Với kết quả tốt đạt được từ công ty của mình, tôi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn, không chỉ về business model canvas mà các cách tiếp cận đa dạng khác như mô hình kinh doanh sáng tạo, mô hình kinh doanh đột phá, thiết kế doanh nghiệp (business design), mô hình giá trị, mô hình doanh thu v.v và giúp cho nhiều doanh nghiệp khác áp dụng. Cho đến nay tôi giúp khoảng 1000 doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh. Tôi không biết có ai ở Việt Nam làm việc với nhiều doanh nghiệp để xây dựng mô hình kinh doanh nhiều hơn tôi không?

Trong bài viết này tôi sẽ giúp các bạn trả lời 3 câu hỏi quan trọng:

- Mô hình kinh doanh là gì?

- Vì sao doanh nghiệp cần mô hình kinh doanh?

- Làm thế nào để xây dựng mô hình kinh doanh tốt?

1. Mô hình kinh doanh là gì?
Có rất nhiều định nghĩa về mô hình kinh doanh. Khi search trên Google với từ khóa “Business Model definition” nó sẽ cho ra 1.820.000.000 kết quả. Trên 1 tỷ 8 kết quả !!! Thật không thể tin nổi.

Với tôi, định nghĩa đơn giản nhất và có ý nghĩa nhất là “mô hình kinh doanh là công thức kinh doanh của doanh nghiệp”. Nó mô tả cách doanh nghiệp kinh doanh. Đơn giản vậy thôi.

Công thức ấy gói gọn trong câu sau đây: Doanh nghiệp bán cho ai, bán cái gì làm sao bán được và có lời lâu dài.

2. Vì sao doanh nghiệp cần mô hình kinh doanh?

Hãy hình dung bạn nấu phở. Nếu bạn có công thức nấu phở ngon thì phở bạn ngon hơn, chất lượng phở đồng đều hơn. Hơn thế nữa, từ đó bạn có thể tìm tòi, thay đổi thành phần nguyên liệu, gia giảm tỷ trọng để cho ra món phở ngày càng ngon hơn. Điều gì xảy ra nếu bạn không có công thức nấu phở? Chắc chắn món phở của bạn ngon dở thất thường, bạn mất rất nhiều thời gian, chí phí, công sức để có được món phở mà mình ưng ý.

Trong kinh doanh cũng vậy, nếu bạn mô tả được chính xác công thức kinh doanh  như tôi viết ở trên thì khả năng lớn là bạn xây dựng, vận hành việc kinh doanh của mình hiệu quả hơn, bạn có thể cạnh tranh và phát triển tốt hơn, nhanh hơn. Nếu bạn không có công thức kinh doanh thì bạn cũng giống như người nấu phở không có công thức: kết quả không ổn định, ngẫu nhiên, mất nhiều thời gian, tiền bạc công sức!

Mô hình kinh doanh giúp cho bạn

- Chọn đúng khách hàng và hiểu được khách hàng.

- Từ đó biết bán cái gì để khách hàng mua của mình mà không mua của đối thủ cạnh tranh.

- Biết con đường nào để đưa được sản phẩm, dịch vụ của mình đến với khách hàng hiệu quả nhất.

- Bán với giá nào, với mô hình doanh thu như thế nào để có lời lâu dài

3. Làm thế nào để xây dựng mô hình kinh doanh tốt?

Để xây dựng mô hình kinh doanh tốt, bạn cần phải có 4 điều sau

- Tư duy hệ thống, logic: biết quy trình làm, hiểu vì sao phải làm theo thứ tự , các thành phần trong mô hình kinh doanh đóng vai trò gì trong toàn bộ hệ thống. Rất nhiều người thiết kế mô hình kinh doanh bằng cách liệt kê các ý tưởng và chọn nhưng không biết vì sao phải chọn chúng, các thành phần ấy có mối liên hệ hữu cơ với nhau như thế nào. Điều đó cũng giống như bạn nấu phở mà không hiểu mỗi thành phần nguyên liệu đóng vai trò gì, không biết thứ tự nấu!

- Công cụ: những công cụ tốt sẽ giúp cho bạn thiết kế mô hình kinh doanh có hệ thống, hợp lý, hiệu quả hơn. Ngoài Business model canvas ra bạn có thể có nhiều công cụ khác như khung giải pháp giá trị (value proposition canvas), mô hình doanh thu, mô hình kênh marketing và bán hàng, tư duy trực quan, xây dựng kịch bản .v.v. Một trong những sự khác biệt lớn nhất của người nấu phở chuyên nghiệp và người nấu phở nghiệp dư là công cụ bếp sử dụng.

- Hiểu biết về ngành nghề kinh doanh. Sự hiểu biết về ngành nghề kinh doanh giúp cho bạn có được cái nhìn chính xác hơn công việc kinh doanh đồng thời giảm nhiều rũi ro do thiếu hiểu biết.

- Sáng tạo: Để có được mô hình kinh doanh cạnh tranh tốt bạn phải có óc sáng tạo. Bạn phải có khả năng nhìn xa hơn những gì mình đang biết, đang thấy và tạo ra những điều mà khách hàng yêu thích, đối thủ cạnh tranh khó theo kịp. Cũng như người nấu phở tài hoa luôn tìm tòi sáng tạo để mang đến những khẩu vị đặc biệt để thực khách nhớ mãi.

3 câu hỏi trên sẽ dẫn bạn đến câu hỏi thứ 4

- Nếu tôi muốn xây dựng mô hình doanh thì tôi sẽ phải bắt đầu như thế nào?

Bạn có 2 cách:

- Bạn có thể đọc sách, lên mạng internet tìm hiểu, hỏi bạn bè, học lóm đâu đó và tự thiết kế  mô hình kinh doanh cho riêng mình. Như thế bạn sẽ giống như người nấu phở tự tìm tòi công thức cho mình. Bạn có thể tiết kiệm được chút đỉnh tiền (khoản 2-3 triệu) nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, thử và sai để có được mô hình kinh doanh của mình. Lúc ấy bạn có cân nhắc đến hệ quả thiết kế sai, chi phí cơ hội và rủi ro chưa?

- Bạn có thể tham gia khóa học về mô hình kinh doanh, tìm cho mình thầy giỏi, coach giởi để giúp xây dựng mô hình kinh doanh. Người thầy giỏi, coach giỏi phải giúp cho bạn những điều sau:

o Giúp cho bạn có tư duy hệ thống và logic chứ không dạy cho bạn học như con vẹt

o Cung cấp những công cụ đa dạng, thực tế và phù hợp để bạn thiết kế mô hình kinh doanh chứ không copy và paste sách giáo khoa hoặc các công cụ đầy dẫy trên mạng

o Bổ sung cho bạn những hiểu biết về kinh doanh thực tiễn chứ không phải lý thuyết suông

o Chỉ cho bạn công cụ và cách thức tư duy sáng tạo để bạn có thể áp dụng lâu dài chứ không rập khuôn máy móc theo lối mòn

Cũng giống như người nấu phở tìm được chuyên gia truyền bí quyết vậy. Bạn sẽ nhanh chóng biết nấu phở ngon, biết tạo món phở độc đáo của mình được nhiều người tthích và thèm lâu dài.

Bạn chọn con đường nào?

Mr Coach 

Lâm Bình Bảo.

CEO B Coachng

#mrcoach #bcoaching #mohinhkinhdoanh
 Từ khóa: Mô hình kinh doanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây