TỰ LÃNH ĐẠO BẢN THÂN – NỀN TẢNG CỦA THÀNH CÔNG

Thứ năm - 16/02/2017 08:30
TỰ LÃNH ĐẠO BẢN THÂN – NỀN TẢNG CỦA THÀNH CÔNG - THAY ĐỔI THÓI QUEN - TẠO DỰNG THÀNH CÔNG.
Làm chủ bản thân
Làm chủ bản thân

TỰ LÃNH ĐẠO BẢN THÂN – NỀN TẢNG CỦA THÀNH CÔNG

“Bạn chỉ có thể trở thành Nhà lãnh đạo tài ba khi bạn có thể tự lãnh đạo tốt bản thân mình” 
(You can only be a great leader when you can lead yourself well first - Richard Norris)

Xem các bài viết hay - cần thiết cho Lãnh đạo: http://bloggerkhoinghiep.com/tag/kinh-nghiệm-lãnh-đạo

Tự lãnh đạo bản thân là gì? Đó là khả năng TỰ LÀM CHỦ bản thân mình. Trong những lớp CEO mà tôi từng dạy, khi cho làm bài test về khả năng lãnh đạo thì luôn có đến khoảng 90% số lượng học viên trong lớp đều trả lời KHÔNG đối với câu: “Tôi có tập thể dục đều đặn, ăn uống cân bằng và ngủ đủ giấc”. Hỏi ra thì đa số đều viện lý do là vì, do, bởi quá nhiều việc, quá bận bịu, không có thời gian,…Nhưng chung quy vẫn là do chưa biết cách làm chủ bản thân!

Làm chủ bản thân là một việc làm không đơn giãn, nhưng chắc chắn là nó rất quan trọng, nếu không thì John Maxwell – một học giả về lãnh đạo, trong quyển sách “Phát triển nhà lãnh đạo trong bạn” đã không viết: “Dại thời muốn chinh phục cả thế giới, Khôn thời chỉ muốn thắng bản thân mình” (When we are foolish we want to conquer the world. When we are wise, we want to conquer ourselves). Chiến thắng bản thân luôn là một cuộc chiến thách thức và quan trọng nhất trong sự nghiệp của người thành đạt. Thành công hay không đa số đều khởi nguồn từ đây! Việc làm đúng ngay từ đầu của nhà lãnh đạo/CEO/Khởi nghiệp gia cũng vì thế, nên bắt đầu từ đây!

Làm sao để làm chủ bản thân mình một cách tốt nhất? Sau đây là những điều quan yếu nhất tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ đang lập nghiệp:

HIỂU RÕ VỀ MÌNH
Binh pháp có nói: “Biêt người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trong đó yếu tố ‘biết ta’ là yếu tố cơ bản dễ khai thác nhất nhưng lại thường bị người đời xem thường, bỏ qua nhiều nhất.

BIẾT MÌNH MUỐN GÌ
Hoài bảo, mơ ước, tầm nhìn của mình là gì? Những sứ mệnh mình muốn gánh vác? Những giá trị cốt lõi mình đang tôn thờ? Hay nói nôm na là biết mình đang ở đâu, muốn đi về đâu và định đi đến đó như thế nào, bằng cách nào, với những nguồn lực nào? Xác định rõ đích đến/điều mình muốn đạt là điều vô cùng quan trọng để định hướng cho mọi hoạt động, mọi nỗ lực của mình trong mọi việc. Đây chính là chiếc la bàn không thể thiếu trên đường lập nghiệp! Nếu như bạn vẫn còn mơ hồ về điều mình mơ ước, hãy bình tỉnh ngồi xuống, lấy một cây viết ra và suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời các câu hỏi sau: “Mình muốn trở thành người như thế nào sau 10/15/20 năm? Có sự nghiệp thành đạt? Có gia đình hạnh phúc? Có sức khoẻ tốt?

Tại sao mỗi dịp xuân về, các công ty dịch vụ thường hay gởi đến khách hàng của họ lời chúc: “Một năm mới có thật nhiều sức khoẻ, thành công và hạnh phúc”? Bởi vì 3 yếu tố SỨC KHOẺ, THÀNH CÔNG & HẠNH PHÚC tuy 3 mà 1, chúng có quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau.

CÓ SỨC KHOẺ TỐT
“Một tinh thần minh mẫn chỉ có được trong một cơ thể khoẻ mạnh”. Người thành đạt là người có tư duy chiến lược, sự minh mẫn, nhạy bén trên thương trường, sự kiên trì, dũng cảm trong chiến đấu/cạnh tranh,… tất cả những yếu tố đó đều đòi hỏi một “phần cứng” vô cùng nền tảng, đó chính là một cơ thể có sức khoẻ tốt. 
Sức khoẻ của bạn đã đủ tốt chưa? Cả về thể chất lẫn tinh thần? Bạn có giữ được sự dẽo dai và sáng suốt đều đặn trong 8 giờ làm việc mỗi ngày không? Hay năng suất làm việc của bạn bị giảm dần khi thời gian trôi qua trong ngày hay theo năm tháng?
Bạn có ăn uống đều độ, đúng giờ không? Hay bạn đã bị bệnh đau bao tử, viêm tá tràng, viêm đại tràng rồi? Trong tình hình an toàn thực phẩm có nhiều vấn đề như hiện nay, ngoài ăn uống điều độ, ăn đủ chất ra, chúng ta còn phải biết cách chọn lựa thực phẩm sạch khi ăn uống. Để dự phòng, nhiều người chọn phương án đổi món hàng ngày, nghĩa là không ăn hoài cùng một món, cho dù mình thích ăn nhất, để hạn chế việc hoá chất độc hại (nếu có) trong thực phẩm tích luỹ nhiều trong cơ thể dễ gây nên bệnh ung thư này nọ. Nghĩa là nên luân phiên thay đổi giữa các loại thịt gà, cá, heo, bò, hải sản; các loại rau củ quả, thậm chí cả cơm mì bún phở, … Nhiều bạn trẻ có thói quen thường xuyên ăn mì ăn liền, tôi có nhận được email của người bạn ở Mỹ gởi qua hướng dẫn là cách tốt nhất khi ăn mì ăn liền là trụng qua nước sôi một lần, rồi gạn bỏ nước đó, chế nước lần 2 vào mới ăn và dĩ nhiên cũng nên ăn luân phiên với các loại cơm bún bánh mì khác, không nên ăn hoài một món trong nhiều ngày liên tục! (Phần này tôi định viết ngắn lại, nhưng nghĩ thấy nó thời sự nên để lại, mong các bạn nào thấy nó dài dòng thì bỏ qua cho).

Bạn có đi ngủ đúng giờ & ngủ đủ 8 tiếng đồng hồ không? Hay bạn đã bị bệnh mất ngủ rồi? Đành rằng chất lượng giấc ngủ là quan trọng nhất, nhưng số giờ ngủ cũng không nên xem thường. Khi chúng ta ngủ, não sẽ tự tiến hành sắp xếp điều chỉnh lại những lệch lạc, thay đổi trong cơ thể (như máy tính defragment vậy) để điều hoà lại mọi thứ cho ổn định, góp phần quan trọng cho việc giữ gìn sức khoẻ. Nếu sau khi ngủ dậy mà chúng ta còn cảm giác lừ đừ, mệt mỏi, nghĩa là giấc ngủ đó chưa tốt, cần phải tìm hiểu ngay lý do để phòng ngừa tái phát.

Bạn có tập thể dục đều đặn không? Đây là câu hỏi rất ít người trả lời có. Tại sao vậy? Ai cũng biết tập thể dục là vô cùng quan trọng và cần thiết, nhưng có mấy người có được cái nếp tập luyện đều đặn, mỗi ngày, nhất là giới trẻ lại càng ít xem trọng việc này vì cứ ỷ lại là mình còn trẻ và rất khoẻ, không cần tập luyện. Thật ra tất cả họ đều thiếu một thứ trong người đó chính là Ý CHÍ! Nhiều người đă đăng ký phòng Gym rồi lại đầu voi đuôi chuột, ban đầu hăm hở sau rồi thỉnh thoảng, rồi bỏ tập lúc nào không hay. Chúng ta cần biết rằng việc tập thể dục đều đặn không chỉ đơn thuần giúp chúng ta rèn luyện sức khoẻ thể chất từ đó tác động đến tinh thần, mà còn giúp chúng ta rèn luyện một Ý CHÍ kiên cường, tự chủ. Chính việc tự mình ‘bắt’ mình mỗi ngày hoặc tuần 3 ngày phải tham gia tập luyện đều đặn một môn tập gì đó đúng giờ giấc sẽ rèn luyện khả năng tự chủ của mình, nghĩa là mình làm chủ được bản thân mình, không để cho sự lười nhác, ham vui ngại khó chiến thắng bản thân mình, mà bắt nó phải khổ luyện để có ngày thành đạt. Khả năng làm chủ bản thân đa phần được toi luyện từ đây!

GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC & SỰ THÀNH ĐẠT
Có mối quan hệ tốt với mọi người trong gia đình là một chất xúc tác quan trọng để chúng ta ra ngoài lập nghiệp. Một gia đình trên dưới thuận hoà, mọi người thương yêu giúp đỡ lẫn nhau sẽ là ‘một hậu phương vững chắc’, tạo điều kiện tốt giúp bạn yên tâm khi làm việc và có động lực phấn đấu để thành công mang vinh quang và tiền tài về cho gia đình cùng thụ hưởng. Ngược lại, nếu gia đình mãi lục đục, xào xáo thì bạn sẽ không được yên tâm để tập trung vào công việc và động lực cũng dễ bị mất đi từ đó. Bạn sẽ không còn tâm trí đâu để học hành, để nghiên cứu, từ đó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nghề của bản thân.

Qua đó chúng ta thấy rõ 3 yếu tố trên có liên quan mật thiết với nhau: Phải có sức khoẻ tốt, có gia đình hạnh phúc thì mới có sự thành đạt. Dale Carnegie – tác giả quyển sách nổi tiếng Đắc nhân tâm đã từng nói: “Thành công là có những gì mình thích; Hạnh phúc là thích những gì mình có”. Tôi định nghĩa sự thành đạt như thế này: “Thành đạt là đạt được những gì mình thích nhưng không phải đánh đổi những thứ mà sau này không thể mua lại bằng tiền”. Đó chính là sức khoẻ và hạnh phúc! Hãy bắt đầu từ sức khoẻ và gia đình rồi mới đến sự thành đạt. Đừng để đến khi nổi tiếng giàu có rồi thì phát hiện ra mình đã mắc một bệnh nan y nào đó hay người thân của mình (cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, bạn bè thân thiết) đã lần lượt bỏ mình ra đi dù dưới bất cứ hình thức nào! Hãy tự hỏi tuần này bạn đã có ngày nào tập thể dục chưa? Năm rồi bạn đã có ngày nào về thăm cha mẹ già hay người thân yêu chưa?

BIÊT RÕ ĐIỂM MẠNH & ĐIỂM YẾU CỦA MÌNH
Điểm mạnh là vốn liếng quan trọng để thành công cần phải phát huy tối đa; điểm yếu là rào cản ngăn lối đến thành công cần phải khắc phục & cải tiến. Bạn có mạnh về một chuyên môn nào không (tài chính, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…)? Bạn giỏi về ngôn từ hay tính toán, trình độ vi tính và ngoại ngữ (nhất là Anh ngữ) của bạn ra sao? Bạn đang có những điểm yếu nào hay những thói quen xấu nào cần phải khắc phục, ví dụ như tánh tình nóng nảy, thiếu kiên nhẫn, bất cẩn, hay quên, không chịu lắng nghe, lười học hỏi, cảm tính, quá tự cao, thiếu kỷ luật, quá ích kỷ, thiếu tôn trọng bạn bè, … Hãy chọn ngành nghề mà bạn có điểm mạnh nhiều nhất và mạnh nhất và lên kế hoạch khắc phục ngay những yếu điểm cần khắc phục. Làm chủ bản thân là biết rõ mình mạnh cái gì, gia tăng sự tự tin và mình yếu cái gì để cải tiến cùng gia tăng sự phát triển. Làm chủ bản thân là luôn có thái độ lạc quan, tích cực trên thương trường: tự tin vào điểm mạnh của mình và không khiếp sợ trước điểm mạnh của đối phương; không tự ty về điểm yếu của mình, luôn tìm cách cải tiến và thấy được điểm yếu của đối phương để có sách lược tiến công hiệu quả dành phần thắng.

BIẾT RÕ NHỮNG GIÁ TRỊ MÌNH ĐANG THEO ĐUỔI
Giá trị là những niềm tin bền vững và lâu dài về những điều được coi là quan trọng trong các tình huống khác nhau, niềm tin này định hướng các quyết định và hành động của chúng ta. Hay nói cách khác, giá trị chính là nhận thức về những điều tốt hay xấu, đúng hay sai. Xác lập được những giá trị tích cực sẽ tạo nên những hành vi tích cực được mọi người ủng hộ, ví dụ như sự chính trực, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng người khác, tuân thủ pháp luật, … là tiền đề để xây dựng uy tín, thương hiệu trên thương trường, cũng là cơ sở để thu hút khách hàng, nhà cung cấp lớn và các nhân tài đến với chúng ta. Giá trị sẽ là cơ sở để hình thành nên văn hoá doanh nghiệp bạn, vì thế hãy hiểu rõ, chọn lựa, kiến tạo và duy trì những giá trị tích cực bạn đang có liên quan mật thiết đến ngành nghề doanh nghiệp bạn cần phát triển.

CÓ TÍNH KỶ LUẬT 
Tính kỷ luật là yêu cầu không thể thiếu để làm chủ chính mình. Soạn giả Joseph Joubert từng nói: “Hãy hiền dịu bao dung với tất cả mọi người trừ chính mình.” Kỹ luật tức là nghiêm khắc với chính mình. Nói là làm, nguyên tắc & qui định phải tuân thủ, kế hoạch phải tuân theo, giá trị phải giữ gìn, …

Bạn có phải là người biết khép mình trong kỷ luật không? Trong gia đình, bạn có tuân thủ theo những truyền thống của gia đình? Trong cơ quan, bạn có tuân thủ theo những nội qui doanh nghiệp? Trong lớp học, bạn có tuân thủ theo những qui định của lớp học? Làm chủ bản thân là biết ‘ép’ mình vào khuôn khổ kỷ luật, biết nhập gia tuỳ tục, thích ứng mọi sự thay đổi để đạt được MỤC TIÊU quan trọng của mình. Giữ gìn truyền thống nếp nhà để ông bà cha mẹ được vui; tôn trọng qui định công ty để nêu gương cấp dưới hay để cấp trên hài lòng, đánh giá cao, nhanh đường thăng tiến sự nghiệp; tuân thủ nội qui lớp học để tạo dựng môi trường học tập tốt, xây dựng hình ảnh người học trò mẫu mực, đoàn kết, đam mê học tập, tạo thêm cảm hứng cho thầy cô trên bục giảng, từ đó gia tăng kết quả học tập cho bản thân. Tính kỷ luật sẽ giúp chúng ta tăng thêm sức mạnh của mình, như Triết gia Lucius Amaeus Seneca đã nói: “Người có sức mạnh lớn nhất là người biết kiểm soát bản thân mình”.

Tóm lại, nền tảng của mọi thành công đều bắt nguồn từ việc biết tự lãnh đạo bản thân mình. Để có thể làm chủ doanh nghiệp thành công, phải biết làm chủ chính mình trước đã. Muốn làm chủ chính mình phải hiểu thật rõ về mình, sống có nguyên tắc & kỷ luật trong thực hành mọi công việc để không ngừng phát huy thể chất và tinh thần; đồng thời tâm hồn luôn rộng mở để không ngừng cải thiện mối quan hệ với mọi người và biết mở mang trí tuệ thông qua không ngừng lắng nghe và học tập.

Hãy tin rằng, một sự khởi đầu đúng cách là đã thành công một nửa! 
Anthony Mỹ, MBA - Chuyên gia đào tạo & huấn luyện doanh nghiệp
(https://www.facebook.com/profile.php?id=1328807969&fref=nf)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây