Xuống đi, các bạn trẻ đang 'ngồi trên nóc tủ'

Thứ ba - 29/12/2015 22:31
Bệnh "thích - không thích" này còn rất phổ biến cả ở các “cao nhân” khởi nghiệp. Việc đầu tiên các bạn mở miệng ra là cái này em thích nên em làm, bất chấp thị trường có cần không. 
Mộng tưởng - Lười biếng là căn bệnh làm cho người trẻ đang tự giảm đi giá trị và không cạnh tranh được trong cuộc chiến chọn người tài.
 Ông Nguyễn Bá Ngọc - Chủ tịch Công ty NBN Media - chia sẻ: "Có câu đùa mà giờ ai cũng biết: “Hãy theo đuổi đam mê. Nợ nần sẽ đeo đuổi bạn".
Nếu được hỏi ác mộng nhất của những người tuyển dụng là gì, hẳn vô số người sẽ bật ra ngay: Đó là khi nghe ứng viên lặp đi lặp lại điệp khúc muôn thuở đầy kiêu hãnh - “Em thích” và “Em không thích”.
Tất nhiên, họ thường không nhận những ứng viên này. Vì có nhận vào làm thì đủ các thứ tốt như mức lương cao, môi trường làm việc tốt, công việc họ vốn ưa thích... cũng không níu chân họ được bao lâu. Và người làm nhân sự cũng hiểu mình không thể thay đổi được tư tưởng của các ứng viên đó.
Thích - không thích
Những người hay đề cập đến cặp phạm trù trừu tượng, khó giới hạn “thích - không thích” không phải người đầu tiên, cũng không phải người cuối cùng sẽ xuất hiện trong danh sách dự tuyển. Trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng giờ có vô số các ứng viên “trường phái thích - không thích”...
ba ngoc
 
Ông Nguyễn Bá Ngọc - Chủ tịch NBN Media.
 
Trải qua vô số cuộc phỏng vấn tuyển dụng, trao đổi với các bạn đang là chủ doanh nghiệp, mình rất ngạc nhiên khi thấy một bộ phận không nhỏ những bạn trẻ non cả về kiến thức lẫn non nghề, con nhà nghèo, gánh nặng gia đình đang đè nặng trên đôi vai mỏi mòn của cha mẹ song lại cực “chảnh” và ảo tưởng nặng về bản thân khi đi xin việc - thể hiện qua việc luôn nói cái này cái kia mình "thích hay không thích".
Các bạn luôn mong muốn phải được ngồi vào những vị trí trọng vọng nhất, bất chấp nó không phù hợp với năng lực bản thân. Thí dụ như quản lý nhóm 3 người không xong nhưng lại chỉ muốn làm giám đốc kinh doanh, lập kế hoạch cho một việc chưa được nhưng lại muốn thêm chữ senior vào trước chức danh...
Khi bị yêu cầu đi tuần tự, đảm nhận đúng năng lực, các bạn liền giãy nẩy và lấy cớ thích hay không thích, các bạn sẽ sẵn sàng nghỉ việc dù trong túi không đủ tiền trả 2 ly cafe.
Lây lan sang khởi nghiệp
Bệnh "thích - không thích" này còn rất phổ biến cả ở các “cao nhân” khởi nghiệp. Việc đầu tiên các bạn mở miệng ra là cái này em thích nên em làm, bất chấp thị trường có cần không. 
Bởi vậy, các bạn này sẽ làm ra nhiều dự án coi rất thích, nhưng không đem lại doanh thu, lợi nhuận đủ bù được chi phí - nôm na là lỗ dài. 
Tất nhiên phần lớn các bạn khởi nghiệp có cách tiếp cận kiểu “sống cùng đam mê” này đều thất bại đau đớn. 
Một số bạn láu hơn, dùng tiền người khác để thoả mãn đam mê của mình, tỏ ra ông chủ tốt... thì ra đi để lại một đống rác... Thôi rồi mà người sau gỡ không biết bao giờ mới xong.
Kết quả của nhiều vụ làm theo đam mê là không những tay trắng mà còn bán hết gia sản, lâm vào nợ nần vượt nhiều lần khả năng chi trả của các bạn đó cũng như gia đình bạn. Bởi vậy mới có câu đùa mà giờ ai cũng biết: “Hãy theo đuổi đam mê. Nợ nần sẽ đeo đuổi bạn”.
Thôi đừng nói "thích - không", nếu...
Nói một cách hình tượng là các bạn luôn mồm nói đến cặp phạm trù “thích - không thích” nhiều bạn chưa thành người nhưng đã đòi leo ngay lên nóc tủ ngồi, theo mô hình tháp Maslow thì leo ngay lên đỉnh tháp mà ngự.
Nếu sinh ra các bạn đã trong gia đình giàu có, dư dả thì bạn có quyền. Nếu bạn là thiên tài hay bất quá là nhân tài trong xã hội bạn cũng có quyền.
Nếu bạn có một nguồn tài trợ nào đó khiến bạn không phải lo các nhu cầu căn bản thì bạn cũng có quyền.
Còn nếu lo thân chưa xong; nói cụ thể là lo những chuyện cơm áo, gạo tiền... chưa xong mà còn phải ngửa tay xin tiền thì bạn chưa có quyền đâu.
Để giải quyết chuyện này, việc đầu tiên cần có lẽ chính là sống có trách nhiệm.
Và cần lòng tự trọng của một người trưởng thành. 
Chuyện đơn giản thôi, các bạn hãy chịu khó chút, đi từ đáy tháp, tu tập, trang bị kinh nghiệm và kiến thức, tự lo được cho bản thân các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như ăn, mặc, chỗ ở... đỡ cha mẹ đi rồi hẵn leo dần lên, đâu có muộn. 
Còn đằng này chưa lo nổi ly cafe sáng mà đã đòi chễm chệ ngay trên đỉnh tháp Maslow thì quả là điều không tưởng... Hãy tỉnh lại, và leo xuống đi các bạn đang say sưa giấc nồng trên “nóc tủ cuộc đời.
   
Theo: 

Nguyễn Bá Ngọc

Chủ tịch Công ty NBN Media


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây